Hội Thảo Kinh Nghiệm Quốc Tế Về Chiến Lược Tiêu Chuẩn Hóa Quốc Gia và Kiến Nghị cho Việt Nam

24/10/2022 - 11:22

Ngày 21/10, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do do USAID tài trợ (USAID TFP) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và kiến nghị cho Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy, ông Trần Quý Giàu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục.

Về phía USAID TFP có ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) dự án USAID TFP, ông Kees R.Jonkheer – Chuyên gia quốc tế về NSS, dự án USAID TPF.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho biết, trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ. Hiện nay, theo Báo cáo Chỉ số Hạ tầng Chất lượng toàn cầu 2020, Chương trình Chỉ số Hạ tầng Chất lượng Toàn cầu (GQII) của Việt Nam là 54, hạ tầng công nhận là 36, hạ tầng tiêu chuẩn 64, hạ tầng đo lường là 60. Làm sao để các hạ tầng này phát triển, đó chính là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

“Hiện nay, trong Đề án phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia có một cấu phần rất quan trọng, tuy nhiên hiện đang là yếu nhất của Việt Nam đó là tiêu chuẩn, trong khi đo lường và công nhận đang ở mức tương đối. Chính vì thế, giải pháp đưa ra là Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia phải làm sao để tiêu chuẩn có thể trở thành công cụ tạo ra thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm” ông Hiệp nói

Đồng thời, Tổng cục đang đề xuất trình Thủ tướng Đề án phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), trong đó có các cấu phần liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, công nhận. Vừa qua, các chuyên gia đã khảo sát 18 đơn vị, trong đó có các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp, Hiệp hội, cơ quan hải quan,… Qua khảo sát và trao đổi, các chuyên gia đánh giá rất cao nền tảng về thiết bị, con người, hệ thống của Việt Nam. Tuy nhiên để gắn kết với nhau đòi hỏi Hạ tầng chất lượng quốc gia phải phát triển.

picture

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL.

Theo ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số sáng kiến nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh, ví dụ Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP đặc biệt tập trung vào đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Sau nhiều năm thực hiện, nhiều hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn ở mức cao (19.1% tổng số hàng hóa nhập khẩu). Trong khi vấn đề chủ yếu nằm ở thể chế, vẫn còn nhu cầu cấp thiết là đơn giản hóa khung pháp lý điều chỉnh quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ yêu cầu sửa đổi và bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất, nhập khẩu trong nhiều luật, bao gồm Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa 2007 và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 theo hướng áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, giám sát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển sang hậu kiểm. Đánh giá 15 năm thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, NSS và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là hai nội dung chính để đánh giá tình hình thực hiện hai Luật.

picture

Ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án USAID TPF.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và đề xuất khung Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia Việt Nam, ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về NSS, Dự án USAID TFP cho biết, Một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia.

Tại Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp – Cục tiêu chuẩn Philippines (DTI-BPS) với tư cách là Cơ quan Tiêu chuẩn Quốc gia (NSB), có nhiệm vụ phát triển các Tiêu chuẩn quốc gia Philippines (PNS) để bảo vệ người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước năng động bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế tự do nhằm hướng sản phẩm và dịch vụ của Philippines có tính cạnh tranh toàn cầu.

picture

Ông Glenn Bosmans – Chuyên gia quốc tế về NSS, Dự án USAID TFP.

Tại Malaysia, đã có dự án ARISE Plus của EU năm 2021, dự án về Đánh giá Hạ tầng Chất lượng Quốc gia và soạn thảo Chính sách Chất lượng Quốc gia. Một dự án khác hỗ trợ Cục Tiêu chuẩn Malaysia xây dựng NSS, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, cung cấp đào tạo và hỗ trợ trực tuyến. 

Tại Hàn Quốc, kế hoạch Tiêu chuẩn hóa Quốc gia lần thứ nhất bắt đầu từ năm 2001, trong giai đoạn đầu thiết lập hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Ở giai đoạn tăng tốc, tăng cường năng lực để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ sở cho tiêu chuẩn khu vực tư nhân, củng cố hệ thống đánh giá sự phù hợp, củng cố các tiểu cấu trúc về tiêu chuẩn. Giai đoạn mở rộng, xây dựng các tiêu chuẩn để tạo dựng thị trường toàn cầu, mở rộng cơ sở của các tiêu chuẩn để hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp; hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, thiết lập hệ sinh thái tiêu chuẩn

picture

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.

Trong khuôn khổ Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tề về NQI, ông Kees R.Jonkheer, Chuyên gia quốc tế về NQI cho hay, Trung Quốc đã trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới nhờ thiết lập các tiêu chuẩn. Vào năm 2020, Trung Quốc đã ban hành “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” sau hai năm lập kế hoạch, Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên được xác định bởi mạng lưới và hệ thống công nghệ mới. Ông Kees R.Jonkheer cũng đưa ra 12 khuyến nghị cho khung thể chế NQI của Việt Nam. 

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm, SMEQ) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng –Sở Khoa học và Công nghệ, có chức năng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc phạm vi quản lý và thực hiện hiện kiểm định, thử nghiệm. Trung tâm cũng là 1 trong 18 đơn vị được đoàn Khảo sát đến làm việc và lấy ý kiến đóng góp qua khảo sát và trao đổi trong cả nước, trong buổi làm việc Trung tâm cũng đã đóng góp các ý kiến về hạ tầng kỹ thuật Quốc gia và các chuyên gia đánh giá rất cao nền tảng về thiết bị, con người của Trung tâm.

picture

Đoàn Khảo sát tham quan cơ sở vật chất, hạ tầng của Trung tâm

picture

Đoàn Khảo sát tham quan cơ sở vật chất, hạ tầng của Trung tâm

TOPに戻る

Khách hàng