Tổng quan về thử nghiệm tương thích điện từ (EMC)
30/03/2021 - 15:49
Hình 1: Phòng Thử nghiệm EMC tiêu chuẩn
TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ LÀ GÌ?
Tương thích điện từ (EMC) là từ viết tắt của Electro Magnetic Compatibilty nghĩa là khả năng hoạt động được bình thường của thiết bị điện trong môi trường điện từ (môi trường hiện tại mà con người đang sống và làm việc) và không gây nhiễu điện từ cho bất kỳ thiết bị điện, hệ thống thiết bị nào khác. Chẳng hạn khi một bóng đèn được thắp sáng, một máy sấy tóc đang hoạt động, một máy khoan cầm tay đang làm việc thì tự bản thân những thiết bị đó đều có khả năng chống lại được những can nhiễu bên ngoài tác động vào đồng thời phải đảm bảo không gây ảnh hưởng nhiễu điện từ đến các thiết bị điện khác.
Khi một thiết bị điện, điện tử hoạt động bình thường sẽ phát ra các bức xạ điện từ (phát xạ), nói cách khác thì khi thiết bị điện hoạt động bình thường thì bản thân nó sẽ gây ra các sóng nhiễu điện từ với đặc tính kỹ thuật là các bước sóng và cường độ nhiễu. Cường độ bức xạ càng cao càng gây ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của các thiết bị và môi trường xung quanh. Một thiết bị điện đạt chuẩn EMC cần đảm bảo nó phải làm việc bình thường khi các nguồn tín hiệu khác đã hoạt động đồng thời không được gây ra nhiễu điện từ vượt quá tiêu chuẩn cho phép so với sự hoạt động bình thường của thiết bị khác.
QUY TRÌNH THỬ NGHIỆM EMC.
Thử nghiệm EMC theo QCVN 09:2012 sửa đổi 1:2018 là quá trình đánh giá mức độ phát ra các bức xạ điện từ của các thiết bị sau:
Máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ điện
Bóng đèn có balat lắp liền
Máy hút bụi
Máy giặt
Tủ lạnh, tủ đá
Điều hòa không khí
Máy sấy tóc
Máy xay sinh tố, máy xay thịt, máy ép trái cây, máy đánh trứng
Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp)
Bếp điện (bao gồm bếp điện từ)
CÁC CHỈ TIÊU THỬ NGHIỆM EMC:
Các thiết bị điện và điện tử được thử nghiệm các chỉ tiêu trong lĩnh vực EMC sau đây:
+ Đo nhiễu dẫn điện áp đầu nối nguồn: đo nhiễu tại đầu phích cắm của thiết bị khi nối vào nguồn điện và đơn vị của nhiễu dẫn tại đầu nối nguồn là dB(uV)
+ Đo công suất nhiễu: đo cường độ nhiễu tại đầu nối và trên dây nguồn của thiết bị, đơn vị của công suất nhiễu là dB/pW.
CÁC THIẾT BỊ TRONG THỬ NGHIỆM EMC:
+ Buồng chắn sóng (buồng cách ly): một phòng làm việc khép kín có các vách ngăn là các tấm panel có chức năng ngăn các tín hiệu điện từ môi trường ngoài xâm nhập vào buồng và ngăn các tín hiệu điện môi trường bên trong buồng xuất ra ngoài, nhằm mục đích tạo 1 không gian làm việc cách ly hoàn toàn.
+ Máy thu đo: máy ghi tín hiệu nhiễu điện từ của thiết bị.
+ Mạng nguồn giả LISN: là nguồn cung cấp cho quá trình thử nghiệm mẫu thử và được loại bỏ tất cả các yếu tố nhiễu của môi trường bên ngoài.
+ Kẹp hấp thụ: là thiết bị dùng để thu nhận tín hiệu nhiễu trên dây nguồn của thiết bị và truyền về máy thu đo.
+ Angten thu sóng: là thiết bị dùng để thu nhận tín hiệu nhiễu phát ra từ thiết bị khi đang hoạt động.
Quá trình thử nghiệm EMC sẽ được tiến hành trong buồng chắn sóng cách ly, thiết bị cần thử nghiệm (EUT) sẽ được cho hoạt động bình thường, sau đó là quá trình ghi nhận các tín hiệu đo thông qua các chỉ tiêu đo nhiễu dẫn và đo công suất nhiễu.
KẾT LUẬN
Công nghệ ngày càng phát triển khiến các nhu cầu về các thiết bị điện, điện tử trong cuộc sống hằng ngày cũng tăng theo, việc đảm bảo tương thích điện từ trở nên cần thiết và quan trọng. Đặc biệt trong tương lai, khi các thiết bị điện gia dụng ngoài việc thực hiện chức năng cơ bản còn có thể thực hiện kết nối với nhau nhờ công nghệ IoT. Xu hướng phát triển đó, đòi hỏi công tác đo kiểm, đánh giá EMC cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhằm hạn chế các thiết bị điện, điện tử gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như các thiết bị khác
-
10/12/2024 - 15:55
-
12/03/2024 - 15:15
-
03/04/2024 - 15:12
-
03/04/2024 - 16:46
Tại sao các sản phẩm điện, điện tử gia dụng phải công bố, thử nghiệm, Chứng Nhận Hợp Quy?